Tỳ hưu (Còn gọi là Kỳ hưu, Tỳ ngưu …) là một trong những loài thần thú, con của Rồng. Tỳ hưu tập hợp những điểm đẹp nhất của các loài vật khác: Đầu như đầu rồng, có sừng, mình sư tử, có cánh, rất dữ tợn. Tỳ hưu chuyên hút tinh huyết của các loài ma quỷ, do vậy có tác dụng hộ mệnh, xua đuổi tà ma. Tỳ hưu rất đặc biệt ở chỗ có miệng rộng, mông to, nhưng lại không có hậu môn. Chúng thích ăn vàng bạc, nhưng vì không có hậu môn nên chỉ ăn vào mà không làm thất thoát đi. Do vậy Tỳ hưu có tác dụng chiêu tài lộc.
Với tác dụng chiêu tài lộc của mình, Tỳ hưu thường được tạc với dáng cõng tiền, ngự trên đống tiền, hoặc được tạc chung với các linh vật khác cũng có tác dụng chiêu tài lộc như Thiềm Thừ, Đồng tiền hoa mai, Phật Di Lặc, Đào tiên …
Kể thêm một chút truyền thuyết về Tỳ hưu:
Thời nhà Minh mới lập nghiệp, đất nước vừa trải qua chiến tranh, khắp nơi tan hoang, kinh tế đình đốn, ngân khố cạn kiệt, vua Minh Thái Tổ rất lo lắng. Trong giấc mơ, vua thấy có con vật đầu lân mình to, chân to lại có sừng trên đầu xuất hiện ở khu vực phía trước cung điện nuốt nhanh những thỏi vàng ròng sáng chói mang vào cung vua.
Theo thầy phong thủy tính toán, khu vực xuất hiện con vật ấy là cung tài và đất ấy là đất linh, như vậy, theo đó giấc mơ đã ứng với việc trời đất muốn giúp nhà vua lập nghiệp lớn. Sau đó vua Minh Thái Tổ cho xây một cổng thành to trên trục Bắc Nam, đường dẫn vào Tử Cấm thành, ngay tại cung tài ấy.
Con linh vật ấy có mặt giống con lân nhưng lại có râu như râu rồng, mình như sư tử, mông to như mông bò, đuôi dài, có chùm lông đuôi rậm. Con vật này không ăn thức ăn bình thường mà chỉ ăn vàng, bạc, đặc biệt nó không có hậu môn, do vậy vàng bạc nó ăn vào không bị thoát đi đâu, cho dù no căng bụng.
Sau khi có linh vật ấy, ngân khố nhà Minh ngày càng đầy. Sau đó, vua cho tạc tượng con linh vật trên bằng ngọc phỉ thúy và đặt trên lầu cao của khu “Tài môn”. Từ đấy, nhà Minh ngày càng mở rộng địa giới và trở thành triều đại giàu có.
Khi nhà Mãn Thanh lên ngôi vua, họ vẫn rất tin vào sự mầu nhiệm của con vật linh kia và đặt tên cho nó là con Kỳ Hưu hay cũng gọi là Tỳ hưu. Nhà Thanh cho tạc nhiều tượng con Tỳ hưu đặt tại cung vua và hoàng hậu. Các cung công chúa, hoàng tử đều không được đặt con Tỳ hưu. Các quan càng không được dùng cho nhà mình, bởi quan không được giàu hơn vua.
Thời ấy, ai dùng thứ gì giống vua dùng là phạm thượng. Nhưng với sự linh nghiệm của con vật này khiến các quan lại lén lút tạc tượng con Tỳ hưu đặt trong phòng kín, ngay cung tài nhà mình để “dẫn tiền vào nhà”.
Hòa Thân là quan đại thần dưới triều vua Càn Long. Thời đó ngân khố nhà vua ngày càng vơi mà nhà Hòa Thân ngày càng giàu với câu nói nổi tiếng “Những gì nhà vua có thì Hoà Thân có, còn những gì Hoà Thân có thì vua chưa chắc đã có”.
Bởi sự linh nghiệm như vậy mà về sau truyền thuyết Tỳ hưu được lan truyền trong nhân gian tới tận ngày nay. Mọi nhà đều cố gắng tìm cho mình một ông Tỳ hưu với mong muốn cầu tài lộc, no đủ.
Trong phong thủy ngày nay, Tỳ hưu có thể được dùng với rất nhiều cách: Tỳ hưu nhỏ xinh để đeo cổ, Tỳ hưu lớn để trấn trạch, bày bàn, bày tại chỗ kinh doanh, trên ban thờ thần tài, hoặc trong két sắt …
Tỳ hưu phải tạc bằng đá, ngọc tự nhiên thì mới quý. Vì các loại đá tự nhiên trải qua hàng triệu năm tồn tại đã hấp thụ linh khí trời đất, mang năng lượng phong thủy cao. Không nên sử dụng Tỳ hưu làm từ đá ép bột, trông có vẻ bắt mắt, nhưng không có giá trị nhiều về mặt phong thủy, mà chủ yếu chỉ để trang trí.