Ban Chỉ đạo giải quyết vụ việc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Lãm làm trưởng ban. Nhận định ban đầu là do đầu độc qua con đường thực phẩm, hoàn toàn loại trừ yếu tố mê tín dị đoan, bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh di truyền. UBND tỉnh Thái Bình giao cho các ngành chức năng tìm ra thủ phạm nghi thực hiện việc đầu độc.
Được sự mở đường của chính quyền, có tới mấy chục nhà khoa học cùng vào cuộc. Các nhà nghiên cứu đã về tận nơi lấy mẫu vật đất xung quanh nhà, lấy nước trong bể, nước ở ruộng, nước giếng đem đi phân tích. Họ còn lấy rau cỏ trong vườn, ngoài ruộng, mẫu gạo, thóc trong nhà đem đi. Thậm chí, một nhóm nhà khoa học đã chuyển các mẫu đất ra nước ngoài để phân tích, tìm nguyên nhân, tốn kém cả tỷ bạc, số tiền rất lớn ngày đó.
Đồng thời, cơ quan công an cũng tích cực tham gia tìm hiểu nguyên căn, cán bộ điều tra đã thu thập mấy vỏ thuốc trừ sâu vứt ở bờ ruộng, cạnh nhà cụ Trần Văn Rạng. Từ việc thu thập mẫu vật đó, người dân đồn ầm lên rằng có việc bỏ chất độc giết người do thù oán.
Tuy nhiên, lời đồn này nhanh chóng bị loại bỏ. Cảnh sát điều tra không tìm ra nguyên nhân, động cơ gây án nào. Gia đình cụ Rạng thuần nông, không có mâu thuẫn với ai trong làng ngoài xóm. Những vỏ thuốc trừ sâu chỉ là do người dân bỏ lại bờ mương khi pha thuốc phun ruộng lúa, đó là việc hết sức bình thường ở vùng quê.
Rất nhiều chuyên gia đem theo máy móc hiện đại cũng về nhà cụ Rạng để đo phóng xạ. Tuy nhiên, người ta không phát hiện ra điều gì bất thường ở mảnh đất này. Nhiều chuyên gia phong thủy về đây còn khẳng định, mảnh đất với cây cỏ tốt tươi thế này thì không thể có tia đất xấu, phong thủy xấu.
Trong con mắt của các nhà phong thủy, mảnh đất nhà cụ Rạng có tới 2 mặt là cánh đồng, thoáng mát, sạch sẽ, trong lành, là chỗ đắc địa để sinh sống. Và cho đến tận hôm nay, các nhà khoa học, máy móc cũng đã đều bó tay trước nguyên nhân gây ra những cái chết kỳ lạ của gia đình cụ Rạng. Không có được kết luận chính xác, người dân, với vốn hiểu biết chưa ra khỏi lũy tre làng, chỉ có thể đổ cho nguyên do “thánh vật”.
Chính những người trong cuộc như ông Trần Quốc Việt cũng khẳng định chém đinh chặt sắt: “Tất cả do ma làm hết. Mấy ông nghiên cứu cũng không tìm thấy cái gì. Vậy thì là giời hành thôi. Khoa học không làm được, thì phải đến tay thầy cúng”.
Nghi thức chặt đầu gà để tế “thần hoàng xà”
Sau nhiều cuộc trò chuyện, phóng viên rút ra kết luận rằng ông Trần Quốc Việt là người hơi “đơ đơ”. Có thể do thời trẻ ngang tàng, có thể do sợ hãi quá sinh ra hoảng loạn thần trí, đại khái ông Việt bây giờ nói năng bừa phứa, không sợ trời, không sợ đất. Ông tuyên bố: “Bọn thầy cúng đến đây, hơn tuổi thì tao gọi là cậu, còn dạng ngang hàng hoặc ít tuổi hơn thì tao gọi bằng mày. Tao bảo: “Bọn mày làm được gì thì cứ làm đi. Không làm được thì liệu hồn với tao”.
Thái độ của ông Việt như vậy, song, không làm các thầy pháp sư nhụt chí. Từ khi sự việc trở nên đình đám, họ Trần ở Vũ Tây không phải đi tìm thầy nữa, mà thầy cúng, thầy pháp, thầy bùa, nhà ngoại cảm ở khắp cả nước tự đến tìm cách hóa giải kiếp nạn giúp gia đình. Số người tìm đến có lẽ phải lên đến cả trăm người.
Có những hôm, thầy cúng, thầy tâm linh nhiều đến nỗi ngồi kín nhà, tràn ra cả sân, vườn. Họ tự chuẩn bị lễ, tự lo ăn uống và thực hiện các nghi lễ cúng tế giúp gia đình, chứ gia đình cụ Rạng khi đó người chết, kẻ bệnh, kinh tế cạn kiệt, không còn sức lực nào để lo cho những thầy bà đó nữa.
Trong trí nhớ của ông Trần Quốc Việt, sau sự việc mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Đào và cháu Trần Quốc Khánh lăn ra chết được vài hôm, thì mấy chục người đi trên một xe khách lớn đến tận nhà cụ Rạng. Họ giới thiệu là hội tâm linh ở mãi Sài Gòn. Họ không hỏi gia đình điều gì, chỉ xin một chỗ trong sân để làm lễ.
Họ bảo do bề trên yêu cầu họ về tận làng để giúp gia đình cụ Rạng tai qua nạn khỏi. Mấy chục người ngồi thành hàng thành lối, tụng kinh hộ niệm hay giải nghiệp gì đó trong vòng 30 phút. Làm lễ xong, họ bảo gia đình cứ yên tâm sinh sống, từ nay không phải lo lắng chuyện “ma hành, thánh vật” nữa.
Họ đã giải hoàn toàn nghiệp chướng cho gia đình. Nói xong, họ ra xe rồi vào thẳng Sài Gòn. Nhưng rồi, công sức của họ cũng công cốc. Những người trong gia đình cụ Rạng, rồi hàng xóm vẫn cứ lăn ra giãy đành đạch, người chết, người phải đi viện cấp cứu.
Trong số các nhà tâm linh, còn có một người phụ nữ, là tiến sĩ, cô này được các đệ tử đi theo giới thiệu là đã có nhiều năm học ở Trung Quốc, chuyên trị tâm linh. Cô này dùng nhiều máy móc đo đạc, rồi ngồi trước ngôi miếu tập trung tư tưởng, gọi thần linh lên nói chuyện.
Cách làm của cô này vừa mang tính khoa học, vừa tâm linh huyền bí. Suốt một ngày trời cô loay hoay làm lễ, cúng bái, nói chuyện với các đấng tối cao ở chỗ ngôi miếu sát bờ ao, nhưng rốt cục cũng chẳng mang lại kết quả gì.
“Tao kinh nhất là cái bọn pháp sư kiểu ma ma quái quái, đầu tóc bù xù, mắt mũi lấm lét” – ông Việt khề khà – “Bọn nó nhìn quanh nhà tao chỗ nào cũng có ma. Ma đứng chật sân, nấp cả trên nóc nhà, nấp cả trong thùng thóc. Chúng nó bịa ra các loại ma, kể cả ma cà rồng, ma Tàu, ma khỉ gió gì đó.
Nhưng tao chỉ tin là thần linh bản thổ ở đất này trừng phạt nhà tao vì cái tội phá miếu thôi. Cái con rắn ấy, nó là các ngài hiển linh để cho nhà tao biết đấy. Vì thế, khi một ông thầy ở Phú Thọ phán là phải có lễ tạ ngài rắn, tao tin ngay. Ông thầy giới thiệu là người dân tộc thiểu số, chuyên cúng các loại ma rắn, ma gà, ma xó… Ông ấy mang từ trên Phú Thọ về một con gà đỏ tía, đầu nó trọc lóc, mắt long sòng sọc.
Ông thầy mượn một cái bàn gỗ để lập đàn ở trước sân, buộc con gà vào chân bàn. Sau khi cầu đảo, nhảy múa và xin hết các vị thần linh, ông ấy đào một cái hố ngay trước cửa chính. Cái hố ấy rộng chừng bàn tay, sâu khoảng 30cm. Lúc ấy, tao không hiểu ông thầy định làm cái trò gì. Ai ngờ, ông ấy túm cổ con gà, cầm cái dao sáng loáng, chặt một nhát đứt cổ con gà, máu phọt ra.
Ông ấy ném con gà vào cái hố, tự dưng khói bốc lên ngùn ngụt. Miệng đọc thần chú rối rắm, một tay ông thầy dùng đất lấp cái hố lại. Sau đó, ông thầy giải thích là dùng con gà để tế thần hoàng xà, hi vọng thần sẽ bỏ qua lỗi lầm của gia đình tôi”.
Đến hôm nay, vết tích mà ông thầy lạ lùng chôn con gà trước sân nhà ông Việt vẫn còn nguyên vẹn, cỏ mọc tươi tốt. Như chúng ta đã biết, nghi thức ghê gớm đó cũng không đủ để xua đi tai ách cho gia đình ông Việt. Thậm chí, có nhiều thầy cao tay hơn, tự xưng là “Thánh” tìm đến nhà ông Việt để “chiến đấu” với ma tà tại mảnh đất dữ dội, nhưng cũng đành thất bại bó tay. Chuyện về các thầy cúng này thêm một lần nữa càng khiến cho sự việc lạ kỳ xảy ra tại ngôi nhà của ông Trần Quốc Việt trở nên rối ren, và khiếp đảm.
Kỳ 8: Thống lĩnh mấy trăm âm binh đến “chiến đấu”, bị đánh tan không còn manh giáp Hoài Sơn